NSND Quốc Hưng- Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) đã trao quyết định bổ nhiệm và chúc mừng Tiến sĩ âm nhạc, NSƯT Tân Nhàn. Phó Giám đốc phụ trách Đỗ Quốc Hưng phát biểu tại buổi lễ: “Hôm nay là ngày vui của Khoa Thanh nhạc, rất vui mừng khi Ban Giám đốc đã trao quyết định, trao trọng trách lớn cho nghệ sĩ Tân Nhàn - trở thành Trưởng khoa Thanh nhạc HVANQGVN. Khoa Thanh nhạc có bề dày phát triển mạnh ở cả mảng đào tạo và biểu diễn. Chúng ta có thể tự hào vì đang đi đúng con đường, kế hoạch đã đặt ra từ nhiều năm”.

NSND Quốc Hưng trao Quyết định bổ nhiệm cho NSƯT Tân Nhàn

Về Tân Trưởng khoa Thanh nhạc Tân Nhàn, NSND Quốc Hưng nhận định: “Tân Nhàn được bổ nhiệm vị trí Trưởng khoa ở tuổi khá trẻ, với điểm mạnh là dám nghĩ dám làm và rất quyết liệt. Sự năng động cũng như quyết tâm hành động chính là điều tôi ủng hộ ở Tân Nhàn đảm nhận cương vị, trọng trách này. Tôi mong muốn, ở vai trò lãnh đạo Khoa Thanh nhạc, Tân Nhàn sẽ đồng hành cùng Ban giám đốc, cùng HVANQGVN tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình, luôn đoàn kết, sáng tạo để Khoa ngày càng vững mạnh cùng sự phát triển không ngừng của HVANQGVN. Tôi tin và hy vọng Tân Nhàn sẽ làm tốt chức trách của mình”.

Trong Lễ trao Quyết định, NSND Bùi Công Duy - Phó Giám đốc HVANQGVN bày tỏ: “Đây là tin vui của Trường, đồng thời là tin vui của ngành Thanh nhạc. Khoa Thanh nhạc là niềm tự hào của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng. Qua nhiều năm tháng xây dựng, chúng tôi luôn ước mơ xây dựng ngành chuẩn mực. Sự khác biệt của HVANQGVN là được làm nên bởi những con người xuất sắc, để lại những giá trị cho thế hệ sau. Chúng ta tiếp tục phát triển, kế thừa và trao truyền cho thế hệ sau.

Ban Giám đốc Học viện chúc mừng NSƯT Tân Nhàn

Trong vai trò mới, nghệ sĩ Tân Nhàn chắc chắn sẽ có thêm vất vả khi vừa là nghệ sĩ, giảng viên lại vừa lãnh đạo ngành, sẽ luôn có sự chú ý của xã hội. Mong rằng, nghệ sĩ Tân Nhàn sẽ vững vàng vượt khó khăn để Khoa Thanh nhạc có một chặng đường mới phát triển hơn”.

Trong ngày nhận trọng trách mới, NSƯT Tân Nhàn chia sẻ: “Khoa Thanh nhạc có vị thế, uy tín xã hội lớn vì không chỉ làm tốt việc đào tạo mà song song với đó mảng biểu diễn cũng phát triển rất mạnh. Ở cương vị mới, tôi vừa vinh dự vì được tin tưởng, lại vừa cảm thấy áp lực không hề nhỏ.

Ngay lúc này đây, tôi chưa dám hứa trong thời gian 5 năm nhiệm kỳ mình làm được những gì, nhưng tôi xin hứa sẽ cùng các thầy cô cố gắng hết sức đưa Khoa Thanh nhạc tiếp tục phát triển theo sự phát triển chung của trường trong giai đoạn mới, vươn xa hơn nữa trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Tôi mong nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của các thầy cô Khoa, của HVANQGVN để cùng đoàn kết, đưa Khoa Thanh nhạc, đưa HVANQGVN phát triển hơn nữa”.

Tiến sĩ âm nhạc, NSƯT Tân Nhàn sinh năm 1982 tại Hà Nam, có quá trình cống hiến hết mình với nghệ thuật và lĩnh vực đào tạo ngành thanh nhạc. Từ một cô gái vùng quê nghèo, đam mê ca hát, cô lên Hà Nội theo học thanh nhạc HVANQGVN. Tân Nhàn bắt đầu thành công với cuộc thi "Sao Mai 2005", trong cuộc thi này cô dành Giải nhất dòng nhạc Dân gian và Giải khán giả truyền hình bình chọn, khi thể hiện thành công bài hát “Trăng khuyết”.

Sau khi tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Nhạc thính phòng cổ điển, Tân Nhàn trở thành giảng viên tại HVANQGVN, đạt được học vị Tiến sĩ năm 2019, được bổ nhiệm là Phó trưởng khoa Thanh Nhạc của HVANQGVN từ năm 2017.

Trong sự nghiệp âm nhạc, Tân Nhàn là một trong những nghệ sĩ tích cực cống hiến, thực hiện rất nhiều sản phẩm âm nhạc, các liveshow. Tiêu biểu là năm 2019, Tân Nhàn thực hiện liveshow cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp có tên “Trở về” gây tiếng vang lớn bởi sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và dàn nhạc giao hưởng thính phòng, tiệm cận xu hướng âm nhạc thế giới, mang tính cống hiến cao cho nền âm nhạc nước nhà. Chương trình này đã đem đến cho cô giải âm nhạc Cống hiến- Chương trình của năm. Năm 2022, chương trình “Con đường âm nhạc- Tân Nhàn” do Đài truyền hình VTV thực hiện ghi nhận những thành tựu nghệ thuật của giọng ca dân gian Tân Nhàn.

Một trong những điểm đáng chú ý trong sự nghiệp âm nhạc của Tân Nhàn là bên cạnh thành công trong dòng nhạc dân gian, cô đặc biệt chú ý đến tôn vinh âm nhạc truyền thống của dân tộc. Loạt album âm nhạc truyền thống mà cô dày công thực hiện như “Yếm đào xuống phố” (2013) và “Níu dải lụa đào” (2018) đều đón nhận những sự chú ý của dư luận khi trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên thực hiện các album tôn vinh âm nhạc dân tộc đầy trân trọng. Album “Yếm đào xuống phố” đã từng được đề cử album của năm giải Âm nhạc Cống hiến năm 2013. Album được Tân Nhàn thực hiện theo lối hát chèo trên nền nhạc jazz với các bản hòa âm phối khí của nhạc sĩ tài ba Trần Mạnh Hùng từng gây nhiều tranh cãi khi làm mới âm nhạc truyền thống, nhưng đã thể hiện sự táo bạo, quyết liệt của cô khi chọn cho mình một lối đi riêng biệt, thể hiện khát vọng đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận với người nghe thời hiện đại của cô. Sau này, MV “Công cha ngãi mẹ sinh thành” kết hợp giữa xẩm và giao hưởng thính phòng với phần hòa âm phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mà Tân Nhàn phát hành cũng tiếp tục những cống hiến đó, góp phần nối dài âm nhạc truyền thống trong đời sống âm nhạc hiện đại và vươn ra thế giới.

NSƯT Tân Nhàn đảm nhận vai trò Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện ANQGVN

Tuy nhiên, làm mới đến đâu Tân Nhàn vẫn chú trọng giữ tinh thần âm nhạc truyền thống và nỗ lực tôn vinh giá trị gốc như ở album “Níu dải lụa đào” cô đã cất công đi học các nghệ nhân để có thể hát âm nhạc truyền thống theo cách nguyên bản nhất. Mơ ước của Tân Nhàn là có thể thực hiện một giáo trình dạy âm nhạc truyền thống cho sinh viên thanh nhạc HVANQGVN, bởi cô cho rằng khi những nghệ sĩ tương lai yêu âm nhạc truyền thống sẽ hiểu và yêu hơn tâm hồn người Việt, hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó giúp người nghệ sĩ có chiều sâu hơn về mặt văn hoá, hun đúc tình yêu và lòng tự tôn dân tộc. Tân Nhàn chia sẻ, trong tương lai cô sẽ tiếp tục phát huy hướng đi này, nỗ lực hơn nữa để đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả mọi lứa tuổi, trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy, phát triển âm nhạc truyền thống.

Trong vai trò là giảng viên, Tân Nhàn đã góp sức đào tạo ra những học trò xuất sắc của dòng nhạc Dân gian như: Lại Thị Hương Ly (Giải ba Sao Mai 2017), Nguyễn Thanh Quý (Giải ba Sao Mai 2019), Lan Quỳnh (Giải nhất Sao Mai 2022)...và nhiều học trò đạt giải thưởng quốc tế như: Năm 2024 học sinh Phạm Thùy Linh - Giải xuất sắc bảng sinh viên của Cuộc thi Kyushu Music được tổ chức lần thứ 26 tại Nhật Bản; Nguyễn Thị Yến Linh- Giải đặc biệt Cuộc thi Kyushu Music được tổ chức lần thứ 26 tại Nhật Bản bảng Sinh viên, Lê Thị Tuyết Ánh- Giải vàng bảng sinh viên Cuộc thi Kyushu Music được tổ chức lần thứ 26 tại Nhật Bản.

Đồng nghiệp chúc mừng Tân Nhàn

NSND, PGĐ phụ trách HVANQGVN Đỗ Quốc Hưng chia sẻ, trong thời gian tới Học viện sẽ phát huy mạnh công tác giao lưu quốc tế, đưa sinh viên HVANQGVN tiếp cận với môi trường đào tạo của âm nhạc của thế giới, cọ xát với âm nhạc thế giới qua các cuộc thi, từ đây rút ngắn dần khoảng cách giữa nền âm nhạc Việt Nam và âm nhạc thế giới. Đồng thời, sở hữu đông đảo nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam ở các dòng nhạc, HVANQGVN sẽ tăng cường phát triển lĩnh vực biểu diễn, vừa đem đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hài hòa giữa yếu tố hàn lâm và thị trường, vừa giúp sinh viên được tham gia sớm với thị trường biểu diễn, vừa nâng cao năng lực học tập, vì vậy trọng trách của Khoa Thanh nhạc khá lớn.

“Tôi tin Tân Nhàn táo bạo, quyết đoán và sẽ làm rất tốt vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền Khoa Thanh nhạc lướt đi vững chãi”- PGĐ phụ trách HVANQGVN Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh./.

An An